Ở nơi chỉ có tiếng sóng dội vào hang núi rồi khiến những chuông đá,
khánh đá vọng vang và bàn trời đá bỗng trở thành khúc nhạc muôn điệu như
những tiếng đàn trời bên biển đã có từ ngàn xưa, đó là eo biển Thiên
Cầm.
Thiên Cầm là một khu du lịch mới được qui hoạch xây dựng từ ngày
2/11/1993. Tổng thể khu du lịch rộng 200 ha, kéo dài từ ranh giới xã Cẩm
Hoà (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đến bãi Cu Kỳ xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh. Phía Đông
Nam kéo dài đến xã Cẩm Nhượng và phía Bắc tính từ đỉnh núi xuống bờ
biển, chiều rộng từ mớn nước đi vào trung bình 1-1,2 km.

Du lịch biển Thiên Cầm Hà Tĩnh
Từ Thiên Cầm nhìn ra ánh mắt người chạm phải lô nhô hòn Bớc, hòn Én
trông như những cánh phao nâu đang dập dềnh ngoài biển. Ở quanh đó những
chiếc thuyền đánh cá trông như những chiếc là hình thoi đang cày tung
sóng trắng với những gọng vó, guồng te để đem tôm, cá, mực về cho vùng
biển nhất nhì này ở Hà Tĩnh. Đối xứng với bên này Thiên Cầm sơn (núi
Thiên Cầm) bên kia là núi Đầu Voi cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con
(núi bé) như hai mảnh của phím đàn trời đã án ngự dòng Kỳ La, buộc dòng
suối trong văn vắt này uốn lượn rồi đổ êm ra biển.
Truyền thuyết kể lại rằng, thời Vua Hùng thứ 13, khi qua đây nghe
tiếng sóng biển và thông reo, ngỡ tiên gẩy đàn, nhà Vua bèn lệnh cho
quần thần leo lên núi thấy giống chiếc đàn tỳ bà liền hạ bút phê ba chữ
"Thiên Cầm Sơn". Từ đó núi đá có tên Thiên Cầm. Hàng năm, khi mùa xuân
đến, các Vua Hùng đều lên đây thưởng ngoạn cảnh trời mây non nước, nghe
thông reo và thưởng thức những đặc sản biển. Đồn rằng, vào lúc trời yên
biển lặng, đứng trên đỉnh Thiên Cầm có thể nghe được một thứ âm thanh
rất lạ như là thứ nhạc của trời. Có lẽ vì vậy mà Thiên Cầm theo nghĩa
đen là Đàn trời.
Thiên Cầm còn là nơi chứng kiến sự sụp đổ của một triều đại. Đấy là
vào năm 1407, khi giặc Minh tràn sang, quân nhà Hồ bị bại ở Bạch Hạc,
lui về miền Thanh Hoá cố thủ nhưng vẫn không thành, tướng giặc Minh là
Trương Phụ đã đuổi theo cha con Hồ Quí Ly vào núi Thiên Cầm. Con đường
Bắt đỏ au màu đất chạy quanh co dưới những rừng thông dẫn đến chùa Thiên
Cầm chính là dấu tích bị thương của Hồ Quý Ly khi ông bị thất thủ tại
phòng tuyến Đa Bang và thành Vĩnh Lộc chạy trốn về đây rồi bị bắt:
"Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn
Cao vọng sơn đầu khách tử sầu"
Sau khi bắt được Hồ Quí Ly trong hang núi, tướng giặc Minh bắt dân ta
đổi chữ "Cầm" là đàn thành chữ "Cầm" là bắt. Mãi đến khi đất nước sạch
bóng quân Ngô, Thiên Cầm mới được trở lại đúng với nghĩa chiếc đàn trời.
Núi cách thị xã Hà Tĩnh khoảng 20 km. Núi không cao, lại nằm kề biển,
tạo thành một nơi sơn thủy hữu tình. Cách chân núi một trảng cát là
chùa Yên Lạc xây dựng từ thế kỷ 13, một di tích đã được nhà nước xếp
hạng, nơi có bộ tranh "Thập điện Diên Vương" nổi tiếng.
Những biệt danh núi Thiên Cầm, Cao Vọng, con đường Bắt, hang đá Hồ
Quý Ly đã tạo nên những nét khắc vừa hùng vĩ, vừa thanh tao bên bờ biển
vốn rất hoang vu.
Từ đầu thế kỷ, người Pháp đã xây dựng ở Thiên Cầm một khu nghỉ mát,
nhưng do chiến tranh, các công trình ấy đã bị phá hủy. Ngày nay, vùng
biển nguyên sơ ấy đã được tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch thành khu du lịch biển.
Bắt đầu từ Thiên Cầm, khu du lịch vươn ra phía Bắc 8km và chạy dài vào
Nam hơn 3km. Thiên Cầm ngày nay là vùng du lịch đầy tiềm năng, hấp dẫn
bạn mà ít nơi trên đất nước ta có được.
Thiên Cầm có tới 3 bãi tắm, mỗi nơi một vẻ, chiều dài tổng cộng gần
chục cây số. Từ đỉnh núi nhìn xuống bãi tắm trông như một đường cong gợi
cảm với bãi cát trắng phau, mịn màng. Nước biển Thiên Cầm về mùa hè
xanh màu ngọc bích. Bờ biển thoai thoải, ra tới chừng trăm thước mà
không hề có lồi lõm, sau một hồi thoả thuê tắm mình trong làn nước biển,
bạn có thể thả mình trên những phiến đá ngắm mây trôi bồng bềnh. Đá ở
đây đủ hình thù xếp chồng lên nhau tha hồ theo trí tưởng tượng của con
người.
Những bãi tắm, nhà nghỉ, khách sạn cao tầng, những con đường nhánh
khiến Thiên Cầm có những sức quyến rũ mới giữa một vùng thiên nhiên với
một bên là rừng núi tĩnh lặng, một bên là tiếng sóng biển dập dồn. Ở đó
điều đầu tiên bạn sẽ cảm nhận được là vị mặn mòi của những làn gió biển
luôn hướng về phía núi và những ngọn gió mát lạnh từ rừng núi nguyên
sinh bay tràn ra biển rộng.
Biển Thiên Cầm có nhiều hải sản quí hiếm mà con số lên tới cả trăm
loài nhất là tôm, sò, cua, cá, mực... Theo con đường dọc bờ biển, bạn sẽ
đến thăm cảng cá Cửa Nhượng.
Nhìn về hướng đông, nơi ngọn núi nhô mình ra biển kia chính là Bãi
Lài. Bạn có thể đi thuyền máy du lịch sang đó. Hang động Bãi Lài đủ chỗ
cho vài trăm người vào ngắm cảnh cùng một lúc. Phía trên hang động huyền
bí này là nơi những thợ săn đang kiên nhẫn bẫy chim Cu Kỳ nghe đâu từ
bên Tây Tạng (Trung Quốc) di cư sang Trường Sơn kiếm ăn. Những lão ngư,
những thợ săn giầu kinh nghiệm đã khéo léo xếp hàng ngàn viên đá thành
bậc thang. Trên những bậc thang chuẩn bị sẵn những giếng nước ngọt tự
nhiên. Thợ săn giấu mình vào cây cỏ, cầm chắc tay lưới. Từng đàn chim Cu
Kỳ sau thời gian bay mỏi cánh và khát nước trên biển thấy có nước ngọt
liền sà xuống. Chọn đúng thời cơ, những chiếc lưới được chụp lên, có lúc
bắt gọn cả trăm con Cu Kỳ. Chim Cu kỳ chỉ to bằng con gà thường, lông
mầu nâu hoặc xanh, có chấm xanh viền ở cổ. Thịt chim Cu Kỳ có vị thơm,
ngon đặc biệt.
Nếu thích bạn có thể leo lên đỉnh ngọn núi, cao 108 m so với mặt
biển. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ra xa hàng chục hải lý dõi theo
những con thuyền đang miệt mài thả lưới. Sau lưng bạn là một vùng quê
Cẩm Tú, xa hơn là Trường Sơn xanh ngăn ngắt. Núi Thiên Cầm có nhiều
thắng cảnh để bạn thưởng ngoạn. Đó là bàn cờ tiên, giếng tiên, hang Hồ
Quí Ly, phiến đá có dấu chân người khổng lồ..
Bạn sẽ được thưởng thức nước ngọt từ mạch ngầm tuôn chảy trong lòng
núi. Đồn rằng, ngày xưa mùa hè đến, các nàng tiên đã đáp xuống Thiên Cầm
và tắm ở giếng này. Có lẽ vì thế mà có tên giếng Tiên.
Thiên Cầm còn có Hòn Én. Đảo nhỏ Hòn Én trông như một bàn tay che chở
cho dân vạn chài tránh bão tố từ đời này qua đời khác. Gần bờ hơn một
chút là Hòn Bớc, bãi đá kỳ thú để bạn tung tăng dạo chơi. Giữa biển trời
mênh mông này, cát và đá vươn ra biển nhẹ nhàng, thoai thoải. Tại đây,
bạn có thể tìm thấy hải sản từ các hốc đá rồi đem nướng hoặc luộc...
Hòn Én - Thiên Cầm Hòn Én - Thiên Cầm
Khi bóng mặt trời sắp khuất núi, xin mời bạn hãy trở lại khu nhà
nghỉ. Nhiều khách sạn đã được xây mới với những phòng khép kín đầy đủ
tiện nghi. Bạn sẽ được tắm nước mát bơm lên từ giếng Tiên. Bữa ăn của
bạn sẽ có nhiều đặc sản biển. Về đêm, tầng thượng của khách sạn được
thiết kế có nơi để bạn có thể ngắm cảnh biển, có sàn nhảy cho người
thích khiêu vũ
Rảo bước dọc bờ biển từ Bãi Trang, qua Bãi Tép rồi Nhượng Bạn, chúng
tôi liên tưởng đến một ngày mai của Thiên Cầm. Con đường nhựa từ thị
trấn Cẩm Xuyên tới khu du lịch dài 12 km đã được nâng cấp cải tạo. Từ
khu trung tâm các con đường nối với các danh lam thắng cảnh cũng đã được
láng nhựa. Chùa Thiên Cầm cũng đã được đầu tư tôn tạo. Những pho tượng
và chiếc chuông cổ đã được đưa về. Tiếng chuông chùa "Thiên Cầm Tự" ngân
nga trong thinh không làm thanh thản lòng bạn. Thiên Cầm đang hình
thành một thị trấn của du lịch và kinh tế biển...
Thiên Cầm đất dịu, người hiền và biển đẹp đầy kỳ thú đang rộng tay
chào đón bạn. Rời Thiên Cầm trong tôi như còn dư âm của sóng biển và
thông reo. Bất chợt khe khẽ trên môi mấy câu thơ của một nhà thơ xứ
biển:
"Đàn trời gẩy một nét thơ
Nửa miên man cát, nửa mơ mộng ghềnh
Sóng rạo rực, gió xông xênh
Thương nhau xin nhớ bồng bềnh cõi tiên".
Du lịch Thiên Cầm
Thiên Cầm là khu du lịch chỉ cách thị xã Hà Tĩnh khoảng 20km. Khu du
lịch này đang ngày càng thu hút đông đảo bạn trong nước và quốc tế. Các
công ty du lịch lữ hành như Công ty Du lịch Hà Nội Toserco, Công ty Du
lịch Hà Nội, Công ty Du lịch OSC đã mở tour để đưa bạn đến với khu du
lịch này. Ðến Thiên Cầm, bạn có thể leo núi và nghỉ ở biển Thiên Cầm.
Biển Thiên Cầm êm đềm còn núi thì thơ mộng. Vùng này có chùa Yên Lạc chỉ
cách chân núi Thiên Cầm có một tràng cát. Chùa được xây dựng từ thế kỷ
thứ 13, đây là di tích (đã được Nhà nước xếp hạng) duy nhất có bộ tranh
"Thập điện Diêm Vương" nổi tiếng.
Ðến Thiên Cầm, bạn còn có dịp đi thăm khu lưu niệm Nguyễn Du tại làng
Tiên Ðiền, huyện Nghi Xuân. Khu lưu niệm này rộng tới 2ha, có tư văn 1,
tư văn 2, bia tưởng niệm và nhà trưng bày hiện vật Nguyễn Du được tặng
khi đi sứ, chén, nậm rượu, hòm sắc của cụ Nguyễn Nghiễm, thân sinh của
Nguyễn Du...
Trên đường về, bạn sẽ được ghé thăm Ngã ba Ðồng Lộc, nơi 10 cô gái
thanh niên xung phong từ 17-22 tuổi đã hy sinh để bảo vệ con đường nối
liền hậu phương với tiền tuyến trong thời kỳ chiến tranh chống Ðế quốc
Mỹ xâm lược.